“Đại chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh
đạo; Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân Tống ra khỏi đất nước với tài dùng binh xuất
sắc; “Người anh hùng áo vải” Quang Trung – Nguyễn Huệ thống nhất Đàng Trong –
Đàng Ngoài, bảo vệ đất nước khỏi quân xâm lược Xiêm và Thanh…” – Những bài học lịch
sử vô cùng quen thuộc được nhắc không biết bao nhiêu lần mà kể trong các quyển
sách giáo khoa Lịch Sử hiện nay, các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, các
vị tướng tài ba với tài thao lược tài tình, các cuộc cải cách hành chính, các
cuộc chiến lật đổ chính quyền phong kiến, blah blah blah… nếu nhắc thì tới mai
vẫn chưa hết được. Nhưng đã bao giờ bạn hoài nghi về những sự kiện lịch sự được
“ca tụng” miết như thế này chưa? Liệu có ai chứng thực những sự kiện này và “còn
sống đến bây giờ” để kể lại cho ta nghe không? Hay chỉ là biết đến do sách xưa
kể lại? Hay chỉ là trò lừa bịp thế kỉ mà con người ở thời đại này thật “ngu ngốc”
mới tin theo?
Tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện được trích từ quyển
sách “Tôi tự học” của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, theo như lời cụ thì đây là
câu chuyện do nhà văn Anatole France thuật lại: “Có một nhà bác học quyết đem hết
đời mình để viết lại một bộ sử tổng quát về nhân loại. Ông đã tham khảo hầu hết
sách vở từ cổ chí kim để soạn bộ sử ấy. Công việc gần xong thì ông đã già gần
xuống lỗ. Ngày kia, vào một buổi sáng, ông đứng trên lầu cao, trước cửa sổ, chứng
kiến một cuộc cãi lộn và ẩu đả ở phố trước từ đầu đến cuối. Một hồi lâu, chị nấu
bếp dọn ăn cho ông, vui miệng thuật lại câu chuyện cãi lộn và ẩu đả ấy cho ông
nghe. Nhưng ông lấy làm lạ, tại sao những chi tiết đều sai cả với những điều
chính ông đã nghe thấy? Ông suy nghĩ và không bao giờ ngờ đến lòng thành thực của
chị nấu bếp vì ông biết chị ấy thực thà lắm. Ông bèn cầm gậy đi xuống đường phố.
Khi ông vừa gặp bà giữ cửa, bà ấy thuật lại cho ông nghe câu chuyện trên, hoàn
toàn không giống với những điều ông nghe thấy, lại cũng không giống với những
điều nghe thấy của chị bếp nữa. Ông tò mò đi từ đầu phố đến cuối phố thì ông lại
được nghe biết bao chi tiết ly kỳ hơn nữa, không đúng với những sự nghe thấy của
ông mà lại còn trái ngược nhau lung tung. Ông trở về, cảm thấy thấy sự mỏng
manh của chứng cứ con người. Các chứng cứ do các sử gia từ thế kỉ này đến thế kỉ
kia để lại, ông cảm thấy cũng chỉ là những chứng cứ không sao tin cậy được nữa.
Buồn chán, ông vứt chồng sử của ông đã viết vào lò lửa.”
Đọc xong câu chuyện, ngoài vấn đề mà chúng ta thấy rõ ràng về sự mỏng manh của chứng cứ thì còn có một vấn đề nên hỏi là: chính bản thân ông nhà bác học ấy có theo dõi chính xác mọi chuyện không? Nếu chúng ta đọc câu chuyện trên và nhập vai vào ông nhà bác học ấy thì liệu chúng ta có tin được BẢN THÂN chúng ta đã nghe chính xác cuộc ẩu đả đó chăng? Quả thật là một điều mông lung hết sức!
Đôi khi chúng ta chứng kiến tận mắt, tận tai nhưng mỗi mắt,
mỗi tai lại thấy, lại nghe theo một cách riêng, chẳng ai giống ai, hoặc ít nhất
là không tận mắt chứng kiến nhưng được người khác thuật lại thì phần trăm chính
xác còn nhỏ hơn cả chính mắt thấy tai nghe, nói chi là những sự kiện đã diễn ra
cách đầy hàng thế kỉ do sử sách ghi lại.
Tôi không có ý phản bác hay xúc phạm hình ảnh của các vị
anh hùng ngày xưa và cho rằng họ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, cũng như không
có ý xúc phạm những người đam mê sử học và những người viết sử, nhưng những điều
đó tôi không tài nào có thể chứng kiến tận mắt được nên không thể không hoài
nghi về sự xác thực những gì mà sách sử ghi lại. Liệu rằng, chúng ta có đang bị
lừa dối, liệu rằng mọi thứ đã bị người viết sử (một lần nữa, tất cả chỉ là ý kiến
cá nhân, không có ý xúc phạm) “xuyên tạc”, “bóp méo” đi sự thật chỉ để mọi người
hiểu theo cách hiểu của người viết sử? Nếu như những gì sử ghi lại là giả thì bộ
phim mang tên “lịch sử nhân loại” đã có một kịch bản hoàn hảo. Mặc khác, nếu như
người viết sử là một người thành thật, thì “câu chuyện lịch sử” đó có giống với
“câu chuyện cãi nhau” do chị làm bếp tường thuật lại bên trên, dù thành thật nhưng vẫn không thể biết chính xác?
Những chứng nhân lịch sử như các tượng đài, các tấm bia,…
cũng có thể là những nhân chứng duy nhất còn tồn tại đến ngày nay và là những
nhân chứng duy nhất có thể chứng minh được sự xác thực của các sự kiện lịch sử
(phần nào), nhưng liệu chúng có “nói” cho ta nghe được sự thật là Văn Miếu có
phải xây vào thời Lý, và có thực sự nó xây vào năm 1070? Việc ta cần là một người
thật, một người có đầy đủ chân tay mắt mũi miệng mà tường thuật lại cho ta nghe, nhưng việc có tồn tại một con “người thật” đó
để tường thuật lại cho ta nghe hay không thì chỉ nên dừng lại ở việc đặt ra giả thuyết.
Tóm lại, không một ai trong chúng ta có thể biết chính
xác được sự thật là như thế nào, vì sự thật là chỉ có một, mà đã có một thì lại
càng khó tìm hơn, vì nó nằm lẫn lộn trong một đống mông lung thật thật giả giả, tìm ra được chân tướng sự thật cũng không khác mò kim đáy bể
là mấy. Vì thế, nếu bàn về vấn đề hẹp hơn là nghe một ai nói hay tường thuật lại điều gì, hãy luôn
giữ thái độ hoài nghi trước khi tin đó là sự thật, cho dù người đó có thật thà
tới đâu, cho dù người đó không có vụ lợi gì để mà lừa dối chúng ta, chúng ta cũng nên dè chừng, vì chính mắt
ta thấy, tai ta nghe còn không chính xác thì chắc gì câu chuyện mà ta nghe sẽ chính
xác.
Ý kiến rất hay, mang đậm nét đặc trưng của một bài văn nghị luận, các ý lập luận theo trình tự, nhưng về từ ngữ thì chưa sắc sảo , còn một vài chỗ lập lại " các vị tướng tài ba với tài thao lược tài tình, các cuộc cải cách hành chính, các cuộc chiến lật đổ chính quyền phong kiến", chỗ này bị lập lại không mạch lạc và làm người khác cảm thấy phô.
Trả lờiXóatui nghĩ không nên dùng từ "blah blah blah" vì nó không phù hợp cho văn viết đặc biệt là một bài viết nghiêm túc, tui biết ông thêm một vài yếu tố khôi hài nhưng chỗ này khoogn hợp
khi đặt một vài câu hỏi để độc giả cảm thấy tò mò thì không nên quá nhiều, làm người khác thấy nhàm, nên thay từ "ngu ngốc" thành " khờ khạo" sẽ nhẹ hơn và mượt mà văn phạm hơn.
khi đã bắt tay vào phân tích vấn đề thì nên dùng câu hỏi tu từ không nên dùng câu hỏi giao tiếp làm, không nên dùng từ "hết sức".
nói chung về ngôn ngữ của ông thì vẫn chưa sắc bén làm người đọc chưa lôi cuốn lắm.
còn về cấu trúc bài văn tôi có một câu hỏi lớn là " vậy ta có nên tin lịch sử hay không? không vì sao? có vì sao?". Chưa nêu những cách giải quyết vấn đề.
nhận xét của tôi có nhiêu thôi, đó là ý kiến của tui chưa chắc đúng, chỉ mang tính chất tham khảo thôi, =))
Rất cảm ơn ông đã nhận xét! Tui sẽ cố gắng rút kinh nghiệm!!
Xóa